Việc dùng các loài thảo mộc có chứa độc tố làm thuốc trừ sâu vừa có tác dụng tiêu diệt sâu hại cây trồng vừa khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường…
Hiện nay, việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học đã làm ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí), làm mất cân bằng sinh học. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học cũng để lại dư lượng trong các loại nông sản tiêu thụ hàng ngày. Đây chính là nguy cơ đe dọa sức khỏe con người về trước mắt cũng như lâu dài. Vì vậy, việc dùng các loài thảo mộc có chứa độc tố làm thuốc trừ sâu vừa có tác dụng tiêu diệt sâu hại cây trồng vừa khắc phục được những mặt trái do thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học gây ra. Đây cũng chính là cơ sở tạo ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng, góp phần làm tăng giá trị các loại nông sản trên thị trường trong nước và phục vụ cho xuất khẩu.
Phương pháp nhận biết các loài thảo mộc có chứa độc tố dùng làm thuốc trừ sâu: Quan sát dịch nhựa của cây, nếu thấy dịch nhựa cây có mùi nồng, làm cho da người bị dị ứng nóng hoặc mẩn ngứa thì dịch cây đó có chứa độc tố (như cây ruốc cá, hạt cây củ đậu...). Ngửi mùi những cây có chứa độc tố đều có mùi nồng, hắc, cay... nói chung là khó ngửi. Ví dụ như lá và vỏ của cây xoan, lá cây thuốc lá, thuốc lào, cây cà độc dược... Theo dõi những loài động vật nhỏ sống xung quanh cây (như nhện, kiến...), nếu không thấy động vật nhỏ sống quanh cây và lấy cây làm thức ăn thì có thể nhận định cây đó có chứa độc tố có thể dùng làm thuốc trừ sâu (riêng cây thuốc lá, thuốc lào vẫn có rệp và sâu xanh gây hại).
Phương pháp thu hái những loài cây có chứa độc tố làm thuốc trừ sâu: Phương pháp này phụ thuộc vào từng loài cây và các bộ phận có chứa độc tố của cây. Có loài cây chứa độc tố ở rễ như cây ruốc cá, có loài cây chứa độc tố ở hạt như hạt na, hạt cây củ đậu..., có loài cây chứa độc tố ở lá và thân như lá xoan, lá cây thuốc lá, thuốc lào... Do đó, cần căn cứ vào những đặc điểm trên của cây để thu hái khi các bộ phận của cây có chứa hàm lượng độc tố cao nhất nhằm làm tăng hiệu quả diệt trừ sâu hại.
Phương pháp chế biến: Dùng các biện pháp thủ công mà mọi người có thể áp dụng: Sau khi thu hái bộ phận của cây có chứa độc tố cần rửa sạch, thái nhỏ ngâm trong nước sạch (thau, xô, chậu...) sau đó đậy kín lại. Thời gian ngâm tùy thuộc từng loại cây, thông thường từ 1 đến 2 ngày. Trong lúc ngâm có thể đảo mạnh tay để chất độc thoát ra tan vào nước. Ngâm xong lọc lấy nước để dùng làm thuốc trừ sâu. Nếu dùng biện pháp nấu lấy nước thì sau khi thu hái bộ phận cây có chứa độc tố cần rửa sạch, thái nhỏ cho vào nồi đun sôi từ 1 đến 2 giờ. Nấu xong gạn lấy nước, khi phun có thể hòa thêm với nước sạch (tùy theo độ đậm đặc của nước thuốc). Biện pháp ép lấy nước cũng thu hái xong rửa sạch, thái nhỏ, ngâm vào nước trong 5 đến 10 phút sau đó say nát và ép lấy nước. Phương pháp này thích hợp với những loài cây có chứa độc tố trong dịch cây như rễ cây ruốc cá, lá xoan, trái xoan... Chú ý, những thuốc được chế biến từ thảo mộc để lâu sẽ mất tác dụng diệt sâu, vì vậy khi nào cần mới thu hái, chế biến và sử dụng.
Phương pháp sử dụng: Tùy theo đối tượng sâu hại trên từng loại cây trồng cụ thể mà ta sử dụng nồng độ đặc, loãng khác nhau. Khi pha chế và sử dụng các loài thuốc từ thảo mộc có thể cho thêm một ít xà phòng hoặc dầu khoáng nhằm làm tăng độ bám dính của thuốc.
(Khuyennong)